Trung Quốc nắm giữ ‘kho báu màu xám’ quan trọng bậc nhất thế giới: Mỹ và châu Âu ‘nuôi’ tham vọng xoá bỏ ‘ngôi vương’ nhưng thất bại

Mỹ và châu Âu muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. Song, kế hoạch gặp cản trở lớn do giá loại hàng hoá này thấp và Bắc Kinh sẵn sàng đưa ra mọi nỗ lực để duy trì mức giá này.

Trung Quốc nắm giữ ‘kho báu màu xám’ quan trọng bậc nhất thế giới: Mỹ và châu Âu ‘nuôi’ tham vọng xoá bỏ 'ngôi vương' nhưng thất bại- Ảnh 1.

Giá đất hiếm đã giảm mạnh trong năm nay và hiện dao động ở mức thấp nhất trong khoảng 3 năm. Theo hãng cung cấp dữ liệu Argus Media, giá giao ngay của neodymium-praseodymium, một hợp kim màu xám bạc và loại có lợi nhuận cao nhất thị trường, đã giảm gần 20% kể từ đầu tháng 1 xuống còn khoảng 50.000 USD/tấn. Các loại đất hiếm khác thậm chí còn giảm mạnh hơn.

Hiện tại, những loại khoáng chất này chủ yếu được sử dụng trong nam châm vĩnh cữu cho nhiều loại đồ gia dụng thiết yếu như TV, tủ lạnh và tai nghe. Tuy nhiên, thành phần này còn quan trọng trong việc vận hành động cơ xe điện, tuabin gió và robot.

Theo Adamas Intelligence, công ty tư vấn ngành kim loại và khoáng sản, đến năm 2030, những sản phẩm công nghệ cao này dự kiến chiếm khoảng 2/3 đối với nam châm vĩnh cửu làm từ neodymium.

Tuy nhiên, dù nhu cầu chuyển đổi năng lượng đã tăng cao nhưng giá đất hiếm vẫn giảm mạnh kể từ đầu năm 2022.

Một trong những nguyên nhân là tình trạng dư thừa nguồn cung ở Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đẩy mạnh sản xuất đất hiếm bằng cách tăng hạn ngạch khai thác, khiến ngành này chứng kiến sự dưa thừa. Trong hạn ngạch đầu năm 2024, Trung Quốc yêu cầu các công ty khai thác thuộc sở hữu nhà nước sản xuất 135.000 tấn đất hiếm, tăng gần 13% so với năm 2023, theo nhà cung cấp dữ liệu Fastmarkets.

Trung Quốc nắm giữ ‘kho báu màu xám’ quan trọng bậc nhất thế giới: Mỹ và châu Âu ‘nuôi’ tham vọng xoá bỏ 'ngôi vương' nhưng thất bại- Ảnh 2.

Đồng thời, nhu cầu đối với đất hiếm không cao như kỳ vọng. Thị trường nam châm vĩnh vửu phụ thuộc vào đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu tháng 6 cho thấy, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc sụt giảm 2 tháng liên tiếp. Doanh số bán xe điện cũng chậm lại trên toàn cầu do người tiêu dùng do dự.

Theo WSJ, tình trạng dư thừa sản lượng ở Trung Quốc, cộng với tác động ngày càng tiêu cực đến lợi nhuận của ngành, dường như là một bước đi có tính toán. Quốc gia này sản xuất khoảng 60% lượng khoáng sản đất hiếm được khai thác trên thế giới.

Theo trung tâm nghiên cứu Centre for European Policy Studies, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng mức độ kiểm soát đối với chuỗi cung ứng đất hiếm. Nước này kiểm soát 91% hoạt động tinh chế, 87% tách oxit và 94% sản xuất nam châm. Ưu thế này giúp họ có khả năng tác động đến thị trường đất hiếm.

Ryan Castilloux, giám đốc điều hành của Adamas Intelligence, phỏng đoán Trung Quốc muốn đẩy giá xuống thấp hơn để tạo động lực cho các ngành công nghiệp xanh của mình. Theo ông, quốc gia này sẵn sàng gánh lỗ nhiều nhất trong các thành phần của chuỗi giá trị để thúc đẩy tham vọng như xuất khẩu xe điện sang thị trường quốc tế. Lithium là một thị trường khác mà Trung Quốc đang bị một số quốc gia nghi ngờ là cắt giảm hoạt động khai thác.

Trung Quốc nắm giữ ‘kho báu màu xám’ quan trọng bậc nhất thế giới: Mỹ và châu Âu ‘nuôi’ tham vọng xoá bỏ 'ngôi vương' nhưng thất bại- Ảnh 3.

Mỏ đất hiếm Bayan Obo ở Nội Mông, Trung Quốc.

Một lập luận khác là tình trạng dư thừa của Trung Quốc được thực hiện nhằm cản trở nỗ lực tăng cường nguồn cung thay thế. Giá đất hiếm thấp đã làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất phương Tây. Cổ phiếu của MP Materials và Lynas Rare Earths, 2 công ty khai thác đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, giảm lần lượt 37% và 11% trong năm qua.

Trước đây, kiểu chiến lược này cũng được sử dụng trong lĩnh vực năng lượng vốn nhạy cảm với vấn đề địa chính trị. Năm 2014, OPEC cho phép giá dầu giảm từ 100 USD/thùng xuống dưới 30 USD vào 2 năm sau đó, nhằm buộc các công ty khai thác đá phiến của Mỹ ngừng kinh doanh.

WSJ nhận định, Bắc Kinh dường như muốn duy trì ưu thế kiểm soát với đất hiếm. Cuối tháng 6, chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định mới nhằm thắt chặt kiểm soát hoạt động sản xuất trong nước. Động thái này được đưa ra sau lệnh cấm xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm vào năm ngoái.

Trung Quốc cũng tận dụng vị thế đứng đầu trong chuỗi cung ứng để tạo áp lực chính trị. Những động thái đưa ra năm 2023 nhằm hạn chế xuất khẩu gali và germani, được dùng cho thiết bị điện tử và sợi quang hay một số sản phẩm than chì dùng trong pin xe điện, chính là ví dụ mới nhất.

Những bước đi này từ lâu đã khiến các chính trị gia phương Tây lo ngại. Mỹ, EU, Anh, Canada và Úc đều đã soạn thảo chiến lược “quan trọng với đất hiếm”. Chính quyền Tổng thống Biden cũng có các khoản trợ cấp mới cho hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm và mở rộng mức thuế 25% với nam châm vĩnh cửu sẽ có hiệu lực vào năm 2026.

Tham khảo WSJ

Nguồn: Cafebiz.vn