Trong bối cảnh gặp khó tại phương Tây và Mỹ vì các vấn đề liên quan tới thuế, nhiều hãng xe Trung Quốc đã dồn lực cho thị trường Đông Nam Á và bước đầu gặt hái thành công.
Xe điện Trung Quốc đang phát triển mạnh trên toàn cầu
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các hãng xe Trung Quốc chiếm khoảng 60% doanh số bán ô tô điện trên toàn cầu năm 2023. Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của các công ty này trên thị trường xe điện, cả về sản xuất và bán hàng.
Các thương hiệu của Trung Quốc như BYD, MG, Nio, GAC Motor, Li Auto, Geely và Chery đã chiếm hơn 53% doanh số thị trường xe điện toàn cầu. Trong số này, nhiều cái tên đã có mặt tại Việt Nam, ví dụ như BYD, MG, GAC, Geely (với Lynk & Co) hay Chery (với Omoda, Jaecoo).
Hiện tại, nhiều công ty xe điện Trung Quốc đang mở rộng sang khu vực Đông Nam Á nhằm tận dụng nhu cầu ngày càng tăng về xe điện ở đây, cũng như củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng xe điện Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh về giá, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng. Với các mẫu xe có giá khởi điểm chỉ từ 12.000 USD, chưa bao gồm các ưu đãi khác, xe điện Trung Quốc đang dần được ưa chuộng tại các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan.
5 lý do giúp các công ty Trung Quốc thống trị thị trường xe điện Đông Nam Á
Mới đây, tờ Thailand Business News đã chỉ ra những yếu tố đã góp phần giúp những công ty sản xuất xe điện Trung Quốc dần dần thống trị thị trường xe điện Đông Nam Á.
1. Đầu tiên, các công ty xe điện Trung Quốc, đặc biệt là BYD, đã thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á từ sớm và đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở sản xuất địa phương. Chỉ tính riêng tại Thái Lan, những nhà sản xuất xe đến từ thị trường tỷ dân đã cam kết chi hơn 1,44 tỷ USD để thành lập các nhà máy, qua đó khẳng định chiến lược lâu dài ở khu vực này.
2. Bên cạnh đó, các công ty xe điện Trung Quốc đã tận dụng được lợi thế về công nghệ tiên tiến để vượt mặt đối thủ cạnh tranh, bao gồm việc có khả năng tạo ra các mẫu xe điện hiệu năng cao, nhưng giá rẻ hơn những nhà sản xuất ô tô khác ở châu Á và phương Tây.
3. Các công ty Trung Quốc cũng hình thành quan hệ đối tác phân phối với các tập đoàn lớn ở Đông Nam Á, tạo điều kiện cho việc thâm nhập thị trường dễ dàng hơn và sở hữu mạng lưới phân phối rộng hơn.
4. Một số quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan và Indonesia, đã triển khai các gói ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu xe điện và thu hút nguồn vốn đầu tư mới. Những ưu đãi này đã trở thành sức hút đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, những người đang muốn mở rộng sự hiện diện trên thị trường quốc tế nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
5. Cuối cùng, các chuyên gia chỉ ra rằng việc các quốc gia Đông Nam Á gặp gánh nặng tài chính vì các vấn đề liên quan tới dầu thô đã khiến điện khí hóa ngành ô tô trở thành giải pháp thay thế hấp dẫn. Bối cảnh kinh tế này càng tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà sản xuất Trung Quốc tiến vào khu vực.
Nhìn chung, các khoản đầu tư chiến lược, lợi thế về công nghệ, khả năng tận dụng ưu đãi của chính phủ các nước cũng như nhu cầu về xe điện ngày càng tăng của người tiêu dùng Đông Nam Á đã giúp các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc từng bước khẳng định vị thế số một trong khu vực.
Thời điểm hiện tại, căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến các nhà sản xuất xe điện nước này chịu ảnh hưởng nặng nề khi cả Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á đang dần trở thành thị trường “béo bở” đối với các hãng xe điện Trung Quốc. Khu vực này đã từng bước trở thành nơi để các công ty như BYD, Geely, MG,… khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Nguồn: Cafebiz.vn