Mua hàng trong ứng dụng: Bí quyết 2 tỷ USD giúp TikTok soán ngôi vương, đánh bại toàn bộ ngành game, đến Facebook cũng phải học theo, còn Apple chỉ biết ‘câm nín’

Doanh thu mua hàng trong ứng dụng của TikTok năm 2023 cao hơn 205 triệu USD so với toàn bộ Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter-X cộng lại, soán ngôi cả mảng game từng đứng đầu về thị trường thu phí này.

Mua hàng trong ứng dụng: Bí quyết 2 tỷ USD giúp TikTok soán ngôi vương, đánh bại toàn bộ ngành game, đến Facebook cũng phải học theo, còn Apple chỉ biết ‘câm nín’- Ảnh 1.

Năm 2020, hãng Apple đã ban hành quy định mới về bảo mật dữ liệu người dùng, qua đó giới hạn những nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram hay YouTube có thể thu thập thông tin cá nhân nhằm bán cho bên thứ 3 để tăng cường hiệu quả quảng cáo.

Động thái này khiến doanh thu quảng cáo của các mạng xã hội chịu ảnh hưởng nặng, mà điển hình là Facebook, “tay chơi” lớn nhất trên thị trường.

Thế nhưng TikTok, cái tên đến từ Trung Quốc lại có cách “lách luật” hiệu quả khiến ngay cả các đối thủ sừng sỏ như Facebook, Instagram, Twitter hay YouTube cũng đang phải học theo: Mua hàng trong ứng dụng (In App Purchase-IAP).

Mua hàng trong ứng dụng: Bí quyết 2 tỷ USD giúp TikTok soán ngôi vương, đánh bại toàn bộ ngành game, đến Facebook cũng phải học theo, còn Apple chỉ biết ‘câm nín’- Ảnh 2.

TikTok đứng đầu thế giới về doanh thu IAP, vốn từng là sân nhà của mảng trò chơi điện tử

Thậm chí, TikTok còn phá vỡ quy định thu phí 30% trên chợ ứng dụng Appstore của Apple mà chẳng hề gặp bất kỳ sự trừng phạt nào như trò Fornite của Epic Games từng gặp phải.

Mới đây trang thống kê Appmagic đã có bảng xếp hạng doanh thu IAP trên toàn cầu tính riêng trong tháng 7/2024. Số liệu này được tổng hợp từ cả 2 chợ ứng dụng hàng đầu là Appstore và CH Play, qua đó cho thấy TikTok vượt mặt hàng loạt trò chơi điện tử (game) nổi tiếng để đứng đầu với hơn 200 triệu USD.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, con số này là hơn 1 tỷ USD trong khi năm 2023, TikTok thu về đến hơn 2 tỷ USD doanh thu IAP, luôn giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng của Appmagic.

Vào tháng 1/2021, doanh thu IAP của TikTok mới chỉ đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng với hơn 50 triệu USD thì đến tháng 11 cùng năm, mạng xã hội này đã soán ngôi trò chơi PUBG Mobile để đứng vị trí số 1.

Xin được nhắc rằng IAP thường phổ biến trong giới chơi game hơn là mạng xã hội. Người chơi thường mua đồ, vàng, đạo cụ trong game, số lượt chơi… trên các ứng dụng và chúng được tính vào doanh thu IAP.

Trái lại, các mạng xã hội như Facebook, Youtube… thường có doanh thu chủ yếu từ đăng quảng cáo và bán thông tin cho bên thứ 3.

Bởi vậy việc một nền tảng như TikTok đứng đầu bảng xếp hạng cho thấy một sự dịch chuyển trong phương thức kiếm tiền của các mạng xã hội.

“Facebook, Instagram, TikTok, Twitter-X đều vẫn là những mạng xã hội miễn phí nhưng họ đã bắt đầu đề nghị một số dịch vụ có trả phí để tăng cường doanh thu IAP”, Phó chủ tịch Adam Blacker của Apptopia nhận định.

Mua hàng trong ứng dụng: Bí quyết 2 tỷ USD giúp TikTok soán ngôi vương, đánh bại toàn bộ ngành game, đến Facebook cũng phải học theo, còn Apple chỉ biết ‘câm nín’- Ảnh 3.

Doanh thu IAP của TikTok theo quý (triệu USD)

Theo ông Blacker, kể từ khi Apple ra quy định mới về bảo mật thông tin người dùng, doanh số IAP của các mạng xã hội như TikTok, Facebook, Twitter-X…đã tăng 91% tính đến tháng 3/2023.

Trước khi bản iOS 14.5 được cập nhật với tính năng bảo mật thông tin người dùng mới, phần lớn các mạng xã hội có doanh thu là nhờ quảng cáo.

Càng nhiều người dùng thì quảng cáo trên các mạng xã hội này càng nhiều và doanh thu tăng lên, thế nhưng quy định mới của Apple lại khiến số liệu người dùng mất đi và khiến nguồn thu này sụt giảm. Bởi vậy việc tìm kiếm một nguồn thu mới là xu thế tất yếu.

Trong khi Facebook, Instagram, YouTube đều triển khai chương trình nạp tiền cho người hâm mộ để thưởng những nhà sáng tạo nội dung ưa thích của họ thì Snapchat có Snapchat+ với giá 40 USD/năm. Twitter-X thì từng thực hiện Twitter Blue với giá 115 USD/năm.

Tuy nhiên những nền tảng này chỉ học hỏi theo sau TikTok khi mạng xã hội này từ lâu đã có dịch vụ mua xu để người xem thưởng cho các nội dung mà họ yêu thích. Văn hóa thưởng tiền này đã quá quen thuộc tại Châu Á với các nền tảng trực tuyến nơi người xem tặng quà đổi bằng tiền cho người sáng tạo nội dung.

Mua hàng trong ứng dụng: Bí quyết 2 tỷ USD giúp TikTok soán ngôi vương, đánh bại toàn bộ ngành game, đến Facebook cũng phải học theo, còn Apple chỉ biết ‘câm nín’- Ảnh 4.

Facebook từng ra mắt dịch vụ xác minh tài khoản có dấu tích xanh

“Doanh thu IAP của TikTok đã liên tục đứng đầu suốt từ cuối năm 2021 đến nay. Tính riêng trong năm 2023, doanh thu IAP của TikTok đã cao hơn 205 triệu USD so với toàn bộ Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter-X cộng lại”, Phó chủ tịch Blacker nói.

Năm 2023, CEO Mark Zuckerberg đã tuyên bố dịch vụ xác minh tài khoản trả phí 12 USD/tháng để có dấu tích xanh từ Meta trên các tài khoản người dùng, một động thái cho thấy Facebook cũng đang học hỏi theo TikTok.

Cách kiếm tiền mới của TikTok và các nền tảng mạng xã hội giúp họ không bị phụ thuộc vào dữ liệu người dùng. Thế nhưng chúng lại liên quan đến một câu chuyện khác: phí hoa hồng trên chợ ứng dụng.

Năm 2020, Apple đã cấm trò Fornite của hãng Epic Games khỏi chợ ứng dụng Appstore vì vi phạm quy định, lách luật để người chơi mua đồ trong game bằng phương thức thanh toán khác, qua đó né được khoản phí 30% hoa hồng cho nhà “táo khuyết”.

Quy định này khiến những người dùng mua hàng trong ứng dụng phải trả 30% hoa hồng cho Apple hoặc Google (nếu mua qua CH Play), nhưng dường như TikTok đang lách luật.

Tờ TechCrunch đăng tải bài đăng của chuyên gia David Tesler cho thấy TikTok đã kêu gọi người dùng mua xu bằng phương thức khác mà không thông qua chợ ứng dụng Appstore của Apple, qua đó né được mức phí 30% trên.

Cụ thể, TikTok kêu gọi người dùng mua xu trên trang web của mình nhằm tiết kiệm chi phí đến 25% so với mua qua Appstore.

Mua hàng trong ứng dụng: Bí quyết 2 tỷ USD giúp TikTok soán ngôi vương, đánh bại toàn bộ ngành game, đến Facebook cũng phải học theo, còn Apple chỉ biết ‘câm nín’- Ảnh 5.

Đây rõ ràng là một trường hợp tương tự Fornite của Epic Games năm 2020 nhưng Apple dường như khá mềm mỏng với vụ việc lần này.

Nguyên nhân chính là cuộc chiến pháp lý kéo dài 4 năm với Epic Games cùng vô vàn những lời chỉ trích đi kèm quy định mới của Mỹ lẫn Châu Âu về việc Apple phải chấp nhận bên thanh toán thứ 3 đã khiến nhà táo khuyết không còn quyền lực như xưa.

Kể từ vụ việc Fornite đến nay, Apple đã mềm mỏng hơn với các vụ lách luật như của TikTok vì không muốn đối đầu với chính phủ các nước.

Rõ ràng, cuộc chơi trên thị trường IAP đang dần thay đổi khi Mỹ và Châu Âu không chỉ ép Apple chấp nhận nền tảng thanh toán bên thứ 3 mà còn phải chấp nhận chợ ứng dụng bên thứ 3, qua đó xóa bỏ sự độc quyền của nhà táo khuyết.

Phải chăng trong tương lai, các nền tảng mạng xã hội sẽ chuyển hướng từ nguồn thu chính của mình từ quảng cáo sang IAP?

*Nguồn: Tổng hợp

Nguồn: Cafebiz.vn