Khu rừng này được đánh giá là có số lượng cá thể gỗ trắc quý lớn và hiếm nhất Việt Nam.
Nội dung chính
- Quần thể gỗ trắc quý nhất Việt Nam
- Nỗ lực hết mình của lực lượng cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng để bảo tồn khu rừng trắc quý
Khu rừng của nhiều loài động, thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam
Theo trang Thông tin điện tử xã Đắk Mar, khu rừng Đăk Uy, cách Đăk Hà (Kon Tum) 5km về phía Bắc, nằm che giấu mình sau những dãy núi đồ sộ, là một trong những kỳ quan thiên nhiên đặc biệt của Việt Nam. Được bao quanh bởi địa hình đa dạng, khu rừng này trải rộng trên diện tích 538ha, nổi tiếng là “ngôi nhà” của các loài động, thực vật quý hiếm và được liệt vào danh sách cấm khai thác trong Sách Đỏ Việt Nam.
Có thể kể đến một số loài cây gỗ quý có tên rất lạ như đẻn ba lá, hà nư, chò xót, dầu da đất, re gừng, xoan đào, da bò, bình linh, chè vừng, lành ngạnh, cò ke…
Đặc biệt, rừng Đăk Uy nổi tiếng với việc sở những cây gỗ trắc tự nhiên có độ tuổi hàng chục năm, cùng với đó là khoảng 2500 cây đã được trồng thêm. Quần thể gỗ trắc lớn này được đánh giá là khu rừng trắc quý nhất Việt Nam.
Gỗ trắc, được xếp vào nhóm IIA, là một loại gỗ quý với vẻ đẹp tinh tế, thớ gỗ mịn màng.
Báo Tuổi trẻ cho biết, gỗ trắc còn có tên cẩm lai Nam Bộ.
Gỗ trắc tên khoa học là Dalbergia cochinchinensi, có nguồn gốc từ các nước Đông Dương nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Tại Việt Nam, gỗ trắc phân bố chủ yếu tại các vùng miền Trung như Quảng Nam, Quảng Trị. Đồng thời cũng mọc rải rác tại các khu vực Nam Bộ.
Gỗ trắc là loại gỗ thân lớn, một cây gỗ trắc trưởng thành có đường kính thân cây xấp xỉ 1m và cao tới 25m. Gỗ trắc phát triển rất chậm so với các loại cây gỗ quý khác.
Những “chiến binh” giữ rừng
Theo Người lao động, để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, Ban Quản lý rừng Đăk Uy đã thực hiện nhiều biện pháp, từ việc tăng cường tuần tra và kiểm soát cho đến xây dựng các công trình bảo vệ như nhà quản lý, trạm kiểm soát, chốt canh, và hàng rào. Một bức tường dài 5km, với tổng kinh phí lên tới 27 tỷ đồng, đã được UBND tỉnh Kon Tum duyệt chi để xây dựng, bao gồm cả hàng rào gạch được quấn thép gai, nhằm ngăn chặn các hành vi phá rừng trái phép.
Để chống cắt trộm, các cây gỗ trắc lớn trong khu rừng này đều được quấn quanh bằng dây kẽm gai, tôn. Các nhân viên còn thắp điện, lấy đĩa DVD, gương soi gắn vào thân cây để mỗi buổi tối, khi chiếu đèn pin vào có ánh sáng phản chiếu là biết cây vẫn còn đứng, chưa bị lâm tặc xâm hại.
Theo quy định, không được tác động, làm thay đổi cảnh quan, môi trường rừng đặc dụng. Do đó, tại rừng đặc dụng Đăk Uy, có 161 cây gỗ trắc tuy đã chết khô cũng đang được bảo vệ.
Báo Tuổi trẻ cho hay, để giữ những cây gỗ quý hiếm còn sót lại, kiểm lâm phải mắc võng giữa rừng 24/24 giờ. Ban đêm, ngay giữa vùng lõi rừng từng bóng đèn điện được thắp sáng, treo lủng lẳng ở gốc trắc.
Những năm 2009-2011, cây trắc được thương lái thổi giá thành hàng quý hiếm, từ thân, trắc được thu mua cả cành ngọn, thậm chí cả… lá cũng bán ra tiền. Do rừng Đắk Uy là quần thể rừng gỗ trắc quý hiếm có giá trị cao còn sót lại duy nhất ở khu vực Tây Nguyên nên đã trở thành mục tiêu săn lùng của lâm tặc.
Theo một bài viết đăng tải năm 2017 trên báo Dân trí, thống kê từ Ban quản lý rừng Đăk Uy cho biết, những năm 90, khu rừng đặc dụng đặc biệt này diện tích gỗ trắc chiếm khoảng 30%, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 10%.
Bình quân một kiểm lâm viên hiện nay ở Kon Tum quản lý khoảng 10.000 ha rừng, trong khi đó tại rừng đặc dụng Đắk Uy chỉ gần 600 ha nhưng phải bố trí tới hơn 20 kiểm lâm. Đồng thời, giữa khu rừng các chốt kiểm lâm mọc lên ngay bên cạnh các cây gỗ trắc.
Ông Nguyễn Đức Hà, một trong những nhân viên bảo vệ thâm niên nhất tại đây chia sẻ với báo Người lao động rằng “Cánh rừng chỉ hơn 500 ha nhưng có đến 40 người thường xuyên canh giữ cả ngày lẫn đêm. Nhất là vào mùa mưa trời rất tối, mưa liên tục nên lâm tặc càng manh động hơn. Khi đó, cứ chừng 20 phút là anh em phải đi tuần một lần”
Không chỉ giữ gìn, khu rừng còn được làm giàu với việc trồng thêm 43ha cây quý giá từ năm 1994 đến 1996 và xây dựng 20ha vườn thực vật. Du khách khi đến đây sẽ được trải nghiệm sự thanh bình, yên ả trong lòng rừng xanh, dễ dàng nhận biết các loài cây thông qua bảng tên khoa học, và có thể tận hưởng một ngày trọn vẹn từ sáng đến chiều, hòa mình vào thiên nhiên với tiếng suối chảy róc rách và bắt gặp những loài động vật nhỏ như sóc, chồn hay thỏ đang tự do vui chơi trong khu rừng này.
Tổng hợp
Nguồn: Cafebiz.vn