Hai “quái vật lòng đất” nặng 850 tấn sẵn sàng làm nhiệm vụ đầu tiên trong lịch sử ở Hà Nội

Robot “Thần tốc” và “Táo bạo” đã sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ đào hầm cho tuyến tàu điện đi ngầm đầu tiên ở Hà Nội từ mai.

“Thần tốc và Táo bạo” chính thức vận hành từ 30/7

Theo thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị – MRB Hà Nội, vào ngày mai 30/7/2024, quá trình đào  những mét đường hầm đầu tiên của tuyến Metro số 3 Nhồn – ga Hà Nội sẽ chính thức bắt đầu sau nhiều năm chuẩn bị .

FECON, nhà thầu chịu trách nhiệm vận hành robot đào hầm TBM đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa những cỗ máy khổng lồ này xâm nhập lòng đất, dù địa chất Hà Nội nơi đây phức tạp với nhiều loại đất khác nhau, trong đó chủ yếu là đất sét hỗn hợp.

Hai "quái vật lòng đất" nặng 850 tấn sẵn sàng làm nhiệm vụ đầu tiên trong lịch sử ở Hà Nội- Ảnh 1.

Cận cảnh robot khoan ngầm. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Hai máy TBM mang biệt danh “Thần tốc” và “Táo bạo” sẽ nhanh chóng tiến hành công cuộc đào xuyên lòng đất từ ga S9 (Kim Mã) đến ga S12 (ga Hà Nội) dọc theo đường Trần Hưng Đạo, qua quãng đường dài 4 km và ở độ sâu 17,8 m dưới lòng đất, dưới sự điều khiển của các kỹ sư Việt Nam cùng sự hỗ trợ từ chuyên gia quốc tế.

FECON sẽ khởi động máy TBM từ ga Kim Mã và sau khi hoàn thành 240 m đầu tiên, máy sẽ tăng tốc để đến ga S10 trong tháng 1/2025, và cuối cùng đến ga S12 – Trần Hưng Đạo vào tháng 10/2025. 

Trong những ngày cuối cùng trước khi khởi động đào hầm, đội vận hành, gồm 150 chuyên gia vận hành TBM và cánh tay robot lắp vỏ hầm, sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng toàn hệ thống để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Hai "quái vật lòng đất" nặng 850 tấn sẵn sàng làm nhiệm vụ đầu tiên trong lịch sử ở Hà Nội- Ảnh 2.

Máy đào hầm TBM có tên gọi “Táo bạo”. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Gói thầu CP03, gồm việc đào hầm và xây dựng các ga ngầm, đóng vai trò trung tâm trong dự án Metro số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Nhiệm vụ chính của gói thầu này bao gồm việc xây dựng một đường hầm kép với ray đơn, có đường kính 5,7 m và tổng chiều dài đạt 2.573 m; các ga ngầm gồm ga Kim Mã, ga Cát Linh, ga Văn Miếu và ga Hà Nội; đường dốc để xuống hầm; khu vực quay đầu/tàu gara; và trục cứu nạn dành cho tình huống khẩn cấp.

“Thần tốc và Táo bạo” hoạt động như thế nào?

2 robot đào hầm trên do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine), có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn và được mệnh danh như “quái vật lòng đất”.

Hai robot khi về Việt Nam được đặt tên “Thần tốc” và “Táo bạo” như mong muốn của những người làm công trình dành cho dự án trọng điểm này. Theo MRB Hà Nội, mỗi robot TBM đào hầm có giá trên thị trường thế giới từ 10 – 15 triệu USD.

“Thần tốc” và “Táo bạo” là những cỗ máy khổng lồ với nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xilanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải. Chúng sử dụng máy khoan có khiên đào cân bằng áp lực đất EPB (Earth Pressure Balance).

Hai "quái vật lòng đất" nặng 850 tấn sẵn sàng làm nhiệm vụ đầu tiên trong lịch sử ở Hà Nội- Ảnh 3.

Chuyên gia điều khiển robot đào hầm hiện đại hàng đầu thế giới. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Sở dĩ 2 robot này được coi là hàng đầu thế giới vì công nghệ EPB của chúng rất ổn định, áp dụng các kỹ thuật mới và được đổi mới về công nghệ để đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt.

Đặc biệt, phía sau khiên đào của 2 robot được bố trí một vách ngăn kín để đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở.

Robot TBM đào hầm đến đâu, vỏ hầm sẽ được lắp đặt cuốn chiếu tới đó. Trong quá trình khoan hầm, các cảm biến được lắp đặt trên mặt đất sẽ cảnh báo khi xảy ra các hiện tượng lún, nứt nền địa chất nơi đường hầm đi qua để đơn vị thi công có biện pháp xử lý.

Hai "quái vật lòng đất" nặng 850 tấn sẵn sàng làm nhiệm vụ đầu tiên trong lịch sử ở Hà Nội- Ảnh 4.

Mỗi ngày, robot TBM sẽ khoan được khoảng 10 m hầm, khoan đến đâu lắp vỏ hầm đến đấy. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Ở vị trí sâu 20 m dưới lòng đất nơi 2 robot nằm, hệ thống bơm thoát nước công suất lớn được lắp đặt để đảm bảo không xảy ra ngập úng. Trong điều kiện mưa bão, chúng vẫn được đảm bảo khô ráo, an toàn và sẵn sàng khoan từ ga S9 tới ga S12 với tổng chiều dài 4 km.

Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10 m đường hầm. Việc đào 4km hầm này dự kiến sẽ mất 2 năm.

Qua hạn chót, metro Nhổn – ga Hà Nội vẫn chưa thể vận hành

Chính phủ đã yêu cầu bảo đảm đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đoạn trên cao vào khai thác thương mại trước ngày 28/7, nhất định không lùi tiến độ hoàn thành. Tuy nhiên, ngày 28/7 vừa qua, tuyến đường sắt này vẫn đóng kín, không có dấu hiệu vận hành như thời hạn đặt ra.

Tuyến số 3 Nhổn – ga Hà Nội được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án năm 2009, khởi công năm 2010. Theo quyết định phê duyệt đầu tư tại thời điểm khởi công, dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng. Dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư hiện nay lên 34.826 tỷ đồng.

Lộ trình của tuyến gồm: điểm đầu Nhổn-theo Quốc lộ 32-Cầu Diễn-Mai Dịch-nút giao với đường Vành đai 3-Cầu Giấy (nút giao với đường Vành đai 2)-Kim Mã-Cát Linh-Quốc Tử Giám-điểm cuối Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước Ga Hà Nội).

Tuyến đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5km, trong đó đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy) dài 8,5km dự kiến vận hành trong tháng 7/2024 và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy-Ga Hà Nội) dài 4km dự kiến hoàn thành năm 2027.

Nguồn: Cafebiz.vn